Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Những phụ nữ Việt thành công trên đất Mỹ

Dược Sĩ Christina Ngọc Cao (trái)
và ông Mike Cattivera, đại diện
Ban Tổ Chức trao giải Doanh Gia Xuất Sắc
.
Nhân tuần lễ mùng 8/3, Tạp chí Phụ nữ xin dành thời gian chia sẻ tâm sự của người phụ nữ thành danh trên đất Mỹ, lắng nghe những thử thách, sóng gió họ phải trải qua để có được ngày hôm nay.
Christina Ngọc Cao
Gác máy sau cuộc điện thoại với chị Christina Ngọc Cao (Cao Xuân Thanh Ngọc), Lan Hương thực sự ấn tượng với những gì mình được nghe qua vài phút đồng hồ. Một giọng nói dịu dàng bên đầu dây, một tấm lòng nhiệt tình chia sẻ, tâm sự dù công việc còn rất bận rộn; và hơn cả là những bất ngờ chị mang lại cho Lan Hương khi nghe chị kể về con đường sự nghiệp của chị.
Hiện tại chị Ngọc là Giám đốc hệ thống bệnh viện Prime Healthcare Service với hơn 40 bệnh viện nằm rải rác ở 14 tiểu bang Hoa Kỳ. Chị cũng được nhận giải thưởng của Hội Di Sản Á Châu (Asian Heritage Awards) và Bằng khen của Quốc Hội tiểu bang California trao tặng cho Doanh Gia Xuất Sắc.
Năm 1991, chị Ngọc lần đầu đặt chân đến nước Mỹ theo diện H.O, sau khi cha chị chịu 10 năm tù Cộng sản. Cô gái 16 tuổi khởi đầu cuộc sống nơi đất khách quê người với vốn tiếng Anh mà chị mô tả như “vịt nghe sấm”, văn hóa đất nước này chị cũng không rành. Nhưng trong thâm tâm cô gái đó luôn ấp ủ mơ ước được học hành đến nơi đến chốn để tự mở ra cho mình một cuộc sống mới.
Chị học từ từ, lúc đầu chị coi Sesame Street để học thêm tiếng Anh. Từ giai đoạn chị học ở trường Trung học đến khi lấy được bằng dược sĩ là 11 năm trời chị học liên tục, không bị đứt quãng. Đó là nhờ sự ủng hộ, khuyến khích của ba mẹ và anh chị em của chị. Sau khi học xong bằng dược sĩ chị làm thêm một năm về Residency để trau dồi thêm kiến thức. Sau đó chị đi làm dược sĩ cho bệnh viện thì cơ hội đưa đẩy, khi bệnh viện chị làm họ cần một người làm Trưởng khoa Dược, và muốn những người làm trong bệnh viện đó thử tài nên họ hỏi chị muốn thử không. Lúc đó chị chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chị nghĩ cứ nhận rồi học hỏi sau. Vì chị gan, liều nên chị nhận công việc đó và làm trưởng khoa cho 3,4 bệnh viện, làm Tổng giám độc cho khoa Dược của hệ thống bệnh viện lớn thứ 5 trên nước Mỹ. Và bây giờ hãng y tế này có đến 44 bệnh viện trên toàn nước Mỹ.
Hiện tại bệnh viện nhỏ nhất trong hệ thống này có 75 giường bệnh, lớnn nhất là 600 giường. Và mỗi năm tiền quản lý thuốc men lên tới gần 500 triệu đô/ năm. Trách nhiệm nặng nề đè lên đôi vai người phụ nữ trẻ, chị chia sẻ rằng có những lúc công việc quá mệt nhọc, lại 3 đứa con nhỏ cần sự chăm sóc của mẹ, nên chị cũng “yếu đuối” nghĩ đến chuyện từ bỏ:
Khi chị nhận công việc này đứa út của chị mới có 9, 10 tháng. Lúc nhận việc họ nói chỉ phải đi công tác 1 lần/tháng nên chị nghĩ không đến nỗi. Nhưng rồi công ty lớn mạnh nhanh quá nên có nhiều khi chị bay 2, 3 tuần liên tiếp luôn. Chị cũng rất nhớ con, nhưng cũng may là chồng chị cũng ủng hộ vợ, ba mẹ chồng cũng phụ giúp chăm sóc mấy đứa nhỏ
Có lúc chị đóng luôn 2 va li quần áo. Đi 1 chuyến tối thứ Sáu về, rồi đến sáng thứ Hai lấy luôn vali kia để đi công tác tiếp vì không có thời gian mà sửa soạn.
Có những lúc về nhìn mấy đứa nhỏ, chị cũng nghĩ sao mà làm chi cho cực vậy, phụ nữ đâu cần phải xa con theo đuổi công việc như vậy. Nhưng rồi chồng chị khuyến khích, nói rằng những cơ hội như vậy chắc gì sẽ đến với chị lần 2, đó là lý do chị vẫn làm cồng việc này.
Chị Ngọc cũng chia sẻ trong niềm hạnh phúc rằng các con chị rất ngoan và học rất giỏi. Chồng chị cũng lựa chọn công việc dạy học, không bị gò bó thời gian để có thể phụ giúp chị chăm sóc con cái.
Nhân tuần lễ Quốc tế Phụ nữ, chị Ngọc cũng bày tỏ mong muốn rằng trong tương lai sẽ có nhiều người phụ nữ Việt Nam thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống để xây dựng những hình ảnh đẹp, những tiếng thơm về người phụ nữ Việt Nam trong nước và hải ngoại.
Nguyễn Phúc Anh Lan
Kết thúc cuộc trò chuyện với một dược sĩ xuất sắc, Lan Hương có dịp được nghe một phụ nữ khác chia sẻ về chặng đường sự nghiệp của chị. Đó là chị Nguyễn Phúc Anh Lan, người đã có rất nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam và được đích thân Tổng thống Obama đề cử vào Hội đồng Quản trị Qũy Giáo dục Việt Nam năm 2012 và đến năm 2014 chị được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của quỹ này.
 
Chị Nguyễn Phúc Anh Lan, người đã có rất nhiều
đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam và được
đích thân Tổng thống Obama đề cử vào
Hội đồng Quản trị Qũy Giáo dục Việt Nam năm 2012
và đến năm 2014 chị được bầu làm
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của quỹ này.

                                  
Qũy Giáo dục Việt Nam, tiếng anh là Vietnam Education Foundation được thành lập năm 2003, dự tính kéo dài đến năm 2018, là cơ quan do chính phủ liên bang Hoa Kỳ lập ra để hỗ trợ ngành giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam. Hàng năm Quốc hội Hoa Kỳ dành khoảng 5 triệu đô la cho quỹ này để trao học bổng cho các nghiên cứu sinh, du học sinh được sang Mỹ học tập và đưa các giáo sư người Mỹ sang Việt Nam giảng dạy.
Trước khi được ông Obama đề cử, chị Lan đã nổi tiếng với nhiều hoạt động hỗ trợ nền giáo dục Việt Nam, và được biết đến với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị hội Văn hóa Khoa học Việt Nam.
Chị Lan hân hoan “khoe” với Lan Hương: “Tôi sắp được nhận một huy chương Medal of Honor for Americanism ngày 17/3 của một tổ chức Phụ nữ toàn quốc bên Hoa Kỳ, gọi là Daughters of American Revolution tức là những người hậu duệ của những nhà cách mạng nước Mỹ. Mỗi một năm họ chọn một người không phải sinh ra ở đây, mà di dân đến Hoa Kỳ và trở thành công dân nước Mỹ, và có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng ở đây”.
Chị Lan nói rằng chị hào hứng đi nhận giải thưởng này bởi vì đây là một vinh dự và có thể là một sự kiện để mọi người chú ý hơn đến cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Chị có rất nhiều dự án trong tương lai để giúp cho những người phụ nữ Việt Nam tại vì phụ nữ Việt Nam mình khổ lắm. Ở Việt Nam vấn đề bạo hành trong gia đình, áp lực trong đời sống, và văn hóa về vai trò của người phụ nữ ở Việt Nam.
Năm nay là năm chị quyết định không đi làm công ty nữa, và cống hiến mọi thì giờ của mình để làm việc mình yêu thích nhất, đó là sử dụng giáo dục để thay đổi cuộc sống của mọi người.
Năm nay chị Lan cũng dự định sẽ mở một khóa học phát triển bản thân miễn phí cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, và đặc biệt là giới trẻ. Chị hào hứng chia sẻ rằng khóa học này chị sẽ đặt tên là Grace, có nghĩa là ân sủng, gợi ra một điều đẹp đẽ mà chị muốn gửi tặng mọi người.
Chị có rất nhiều dự án trong tương lai để giúp cho những người phụ nữ Việt Nam tại vì phụ nữ Việt Nam mình khổ lắm. Ở Việt Nam vấn đề bạo hành trong gia đình, áp lực trong đời sống, và văn hóa về vai trò của người phụ nữ ở Việt Nam.
-Nguyễn Phúc Anh Lan
Chị kể lại rằng vào thời điểm năm 2012 chị được Tổng thống bổ nhiệm, chị đã hạ quyết tâm là phải hoàn thành trách nhiệm thật tốt. Thời điểm đó chị đang làm việc toàn thời gian, và nhận thêm chức vụ tại Qũy Giáo dục Việt Nam, hỗ trợ chồng chị với trang web về giáo dục mang tên Học viện Công dân, và làm Chủ tịch Hội Văn hóa Khoa học Việt Nam. Đảm nhận 4 công việc cùng một lúc, đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của chị:
- Cái năm đó ông xã chị nằm trong nhà thương. Chị lại mới được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà giám đốc điều hành lại xin nghỉ việc. Có sự thay đổi nhân sự mà bà ấy chỉ cho có một tuần. Ban ngày đi làm ban đêm phải gọi skype về Việt Nam, rất là khó khăn. Nhưng mình có trách nhiệm thì mình phải làm thôi. Sau đó họ lại giao cho chị thiết kế một hệ thống mới, các chương trình dự án tin học. Đúng lúc luận án cần phải hoàn thành bản cuối cùng để bảo vệ. 4 công việc đó xảy ra cùng một lúc, nhưng điều làm chị đau khổ và ảnh hưởng nhiều nhất đó là sức khỏe của ông xã.
Khó khăn chồng chất khó khăn như vậy nhưng chị nói rằng có lẽ điều giúp chị mạnh mẽ vượt qua đó là niềm tin và hi vọng rằng chị sẽ làm được và chị chắc chắn sẽ làm được. Mỗi khi gặp trắc trở gì trong cuộc sống chị đều chia nhỏ vấn đề ra và tìm lời đáp cho từng mảnh nhỏ rồi ghép lại. Nếu lời đáp này không đúng, thì tìm câu trả lời khác, cứ như vậy cho đến khi vấn đề được giải quyết. Chị cũng luôn cố gắng tìm ra điều hay sau mỗi chuyện xảy ra với chị, dù là chuyện tốt hay xấu. Chị nói rằng nếu làm việc mà không có niềm tin vào chính mình thì rất khó thành công.
Lê Đình Ysa
Cô Lê Ðình Ysa. Photo courtesy of Người Việt
Lan Hương xin dành phần cuối chuyên mục Tạp chí Phụ nữ tuần này để chia sẻ những tâm sự của chị Lê Đình Ysa. Chị là một dược sĩ nhưng mối quan tâm chủ yếu trong cuộc sống của chị lại là nghệ thuật. Hiện tại chị là giám đốc điều hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), là một tổ chức bất vụ lợi, chuyên tổ chức những hoạt động về nghệ thuật như Đại hội Điện ảnh, Liên hoan phim, Thi Hội Hoạ Thiếu Nhi Tết Trung Thu hàng năm, triển lãm nhiếp ảnh, tranh, ra mắt sách, hòa nhạc, sân khấu kịch. Năm 2003, chị Ysa cũng là người giúp phục hồi nền ca nhạc cải lương ở Hoa Kỳ.
Chị chia sẻ những điều truyền cảm hứng cho chị để theo đuổi ngành nghệ thuật:
- Mình rất thích những sinh hoạt này, tại vì nghệ thuật có thể đưa rất nhiều người khác nhau, nhiều lứa tuổi, thành phần trong xã hội, nhiều thế hệ, sắc tộc khác nhau đến gần với nhau bằng cách cùng đến để chiêm ngưỡng, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật. Mọi người lại gần với nhau hơn qua những sinh hoạt nghệ thuật. Hơn nữa, những người mình cùng làm việc chung cũng cho mình rất nhiều cảm hứng để mình làm công việc này. Những người cùng chung đam mê, lý tưởng như mình. Và cả những người nghệ sỹ rất tài hoa, cho mình được học hỏi rất nhiều, cũng là một lý do giúp mình tiếp tục công việc hiện tại.
Mặc dù rất đam mê với công việc nhưng chị nói rằng những khó khăn về mặt thời gian cũng gây cho chị rất nhiều áp lực. Hiện tại chị vẫn theo nghề dược sĩ để kiếm sống, nên không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động khác. May mắn có sự giúp đỡ của bạn bè, và gia đình mà chị có thể đi được quãng đường dài với nghệ thuật đến ngày hôm nay. Cũng trong cuộc trò chuyện với Lan Hương, chị Ysa gửi lời chúc tới tất cả chị em phụ nữ nhân ngày 8/3 năm nay: “Mình chúc tất cả các phụ nữ một ngày thật là vui, mà không chỉ một ngày mà 364 ngày còn lại cũng thật hạnh phúc. Rất mong các chị, các bác các cô đều được sự hỗ trợ từ gia đình để có thể hoàn thành những kế hoạch của mình một cách tốt đẹp”.
Ngày nay dù văn hóa Việt Nam về vai trò của người phụ nữ đã có phần nào tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều người chịu hi sinh sự nghiệp của mình để làm “người vợ đảm”. Nhân tuần lễ Quốc tế Phụ nữ, Lan Hương muốn trò chuyện về những tấm gương tỏa sáng trong sự nghiệp, hi vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người muốn cống hiến cho cộng đồng, xã hội như chị Anh Lan, Ysa và Ngọc Cao. Tuy nhiên, Lan Hương tin rằng điều quan trọng hơn cả không phải là phụ nữ chọn làm gì, mà là sự hài lòng, hạnh phúc với lựa chọn ấy.
Lan Hương/(RFA)
------------

5 nhận xét:

  1. Trong bài này người viết đã không dám đề cập tới một nhân vật phụ nữ Việt Nam tại Mỹ rất nổi tiếng và thành đạt là khoa học gia quân sự Dương Nguyệt Ánh-Hoạt động trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (vì bà có quan điểm chống cộng) và là tác giả của Bom Áp nhiệt của Hải quân Hoa kỳ.

    Trong Bộ Hải quân Hoa Kỳ Dương Nguyệt Ánh nhậm chức Giám đốc Khoa học và Kỹ thuật (Director of Science and Technolgy)[1] của chi nhánh Indian Head Division thuộc Trung tâm Vũ khí Hải quân Hoa Kỳ (Naval Surface Warfare Center) tại Maryland, tiểu ban chất nổ với nhiều giải thưởng. Bà từng là người đại diện cho Hoa Kỳ trong lãnh vực chất nổ tại Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà cũng là tác giả của bom áp nhiệt (thermobaric bomb).

    Năm 2005, bà được cử về Bộ Quốc phòng Mỹ làm cố vấn khoa học cho phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ về thông tin và chiến thuật tại Ngũ Giác Đài.

    Năm 2008 bà được bổ nhiệm làm Giám đốc An ninh Biên giới và Lãnh hải (Director of the Borders and Maritime Security division) thuộc nha Khoa học và Kỹ thuật (Science and Technology Directorate) của Bộ Nội an Hoa Kỳ (Department of Homeland Security).[2]

    Giải thưởng
    "Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement" của Bộ Hải quân Hoa Kỳ năm 2000
    "Award of Excellence for Public Service" bởi U.S. Pan Asian American Chamber of Commerce năm 2004.
    "Service to America Medal for National Security" (Huy chương phục vụ Quốc gia về an ninh) năm 2007.
    Phó Bộ trưởng Nội An Hoa Kỳ vinh danh là Công dân Hoa Kỳ Ngoại hạng năm 2008.
    Chi tiết xem tại:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_Nguy%E1%BB%87t_%C3%81nh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là một phụ nữ thành công và nổi tiếng là một người cứng rắn, sắc thép trong công việc thế nhưng tính cách của bà rất lịch thiệp khi giao tiếp , dịu dàng khả ái khi tiếp xúc với những người bình dân. Bà rất tình cảm và đầy nữ tính khi nói về gia đình hay quê hương. Trong cái rủi có cái may. Cái rủi là bị Bên Thắng Cuộc đã ngược đãi phải sống lưu vong nhưng cái may là nhờ lưu vong ở sứ tự do nên tài năng của bà được phát triển và trọng dụng.

      Xóa
  2. Nếu vẫn ở VN, những phụ nữ này chắc chắn"không thành công".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không được thành "nhân", chẳng ai được gọi là thành công, bằng tài năng thực của mình.
      Cảm phục những phụ nữ bất khuất ở VN, như Mẹ Nấm, Trần Thúy Nga, Cấn Thị Thêu... vì muốn làm người, muốn có tương lai cho tương lai đất nước thì lại bị bắt nhốt tù đày man rợ, hèn mạt.

      Xóa
  3. Đúng là "cá gặp nước" thì mới thỏa chí bơi lội và phát triển. Mỹ là môi trường sông tốt như thế. Tạo cho mọi người, trong đó có phụ nữ nói chung và nữ Việt kiều nói riêng có điều kiện phát huy tài năng và nhiệt huyết . Nếu người này ở VN có thể đạt được những kỳ tích đó không?

    Trả lờiXóa